Tặng nhà cho GS.Châu và chuyện leo lên miệng hố sâu
Biết lắng nghe dư luận là một cái tai có văn hoá. Nhưng "dư luận" kiểu nào cũng nghe hết, cũng đều đắn đo, suy nghĩ, cũng phải tìm cách đối phó thì đó là một cái tai hỏng.
Giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu vừa giành được đã tôn vinh một phần vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế và mở ra nhiều điều cho sự phát triển giáo dục nói chung và khoa học nói riêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã quyết định tặng anh một căn hộ. Thế nhưng khi anh nhận căn hộ đó lại có những ý kiến eo xèo...
Biết lắng nghe dư luận là một cái tai có văn hoá. Nhưng "dư luận" kiểu nào cũng nghe hết, cũng đều đắn đo, suy nghĩ, cũng phải tìm cách đối phó thì đó là một cái tai hỏng.
Lâu nay ở Việt Nam, cứ có 9 ý kiến ủng hộ thì chẳng mấy ai để ý. Thế nhưng có 1 ý kiến phản bác thì những người chịu trách nhiệm về một vấn đề hay một lĩnh vực gì đó liên quan lại cuống cả lên, rồi lo lắng, rồi ngờ vực, rồi tìm cách "an thân". Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng: 1 ý kiến có khi đúng còn 9 ý kiến vẫn là sai.
Nhưng tôi nghĩ, nếu theo kiểu nói như một, hai ý kiến mà chúng ta đã nghe thì chúng ta phải đặt một loạt câu hỏi. Ví dụ:
- Nếu nghệ sỹ Đặng Thái Sơn được tặng nhà thì sao lại không tặng nhà cho ông (bà) Viện trưởng Viện âm nhạc hay ông (bà) Trưởng khoa Piano nơi Đặng Thái Sơn học?
- Tại sao không tặng nhà cho thầy, cô giáo dạy văn hay thầy, cô giáo hiệu trưởng nơi em học sinh Đà Nẵng đoạt giải nhất viết thư UPU vừa rồi?
- Nếu mai này một nhà tiểu thuyết Việt Nam được Giải Nobel văn học được tặng nhà thì sao không tặng cho ông Chủ tịch Hội nhà văn hay ông nhà văn Việt Nam đầu tiên đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam?
- Tại sao không tặng nhà cho ông Bộ trưởng Bộ quốc phòng mà lại tặng nhà cho mấy Anh hùng LLVT?
- Tại sao một số nước có đội bóng vô địch World Cup thì các cầu thủ được tặng nhà, tặng xe sao lại không tặng nhà, xe cho Liên đoàn bóng đá nước đó hay tặng cho những người tạo dựng lên nền bóng đá nước đó?
Tôi có thể đặt 1000 câu hỏi như thế. Nhưng tôi sẽ trở thành một kẻ thật ngờ nghệch và thiển cận nếu hỏi như vậy phải không bạn đọc NS Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu hay em học sinh ở Đà Nẵng viết thư UPU kia đã làm lên những sự kiện đặc biệt có tính đột phá. Nhưng cá nhân như vậy có ảnh hưởng rất quan trọng tới ý thức, trách nhiệm, ý chí, khát vọng, lòng tự trọng...của cộng đồng.
Chúng ta không nên sống theo kiểu "đóng cửa bảo nhau" như lâu nay. Nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng nếu những người nước ngoài biết được chúng ta "cãi nhau" về việc Nhà nước tặng cho GS Ngô Bảo Châu một căn hộ.
Có một hiện tượng là sau khi GS Ngô Bảo Châu nhận Giải Fields thì có một vài người nói: Tôi chọn đường khác chứ cứ theo toán học cũng chẳng kém gì.
Nhân đây, tôi xin kể một câu chuyện mà tôi được nghe đã lâu và nghe rất nhiều lần. Chuyện kể rằng: Thả một người Nhật xuống một cái hố sâu thì anh ta leo lên được. Nhưng thả 3 người Việt Nam xuống hố sâu thì chẳng ai lên được. Hỏi vì sao? Trả lời: Vì người Việt kéo nhau lên chẳng ai lên được miệng hố cả.
Đó chỉ là một câu chuyện có tính giai thoại nhưng người Việt Nam nên suy ngẫm kỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét