Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Về ngôi sao đang lên trên bầu trời Trung Quốc

Về ngôi sao đang lên trên bầu trời Trung Quốc

Xem tin gốc

Tổ quốc - 11 giờ trước 1185 lượt xem

Ve ngoi sao dang len tren bau troi Trung Quoc

(Toquoc)-ĐCSTQ đã xác định được người cầm ngọn cờ thế hệ lãnh đạo thứ năm - một bài học rất đáng suy ngẫm về chiến lược chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận.

Ngày 18/10/2010 có thể xem là thời điểm an bài sự chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc từ thế hệ thứ tư sang thế hệ thứ năm: Hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc chọn Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, vào chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Mặc dù việc chuyển mọi quyền hành từ ông Hồ Cẩm Đào sang ông Tập Cận Bình sẽ kéo dài tối thiểu 4 năm nữa.

Việc chuyển giao quyền lực một cách tuần tự được lập trình từ thời Đặng Tiểu Bình. Năm 1999, ông Hồ Cẩm Đào được đưa vào chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương để cộng sự với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân. Đến Đại hội thứ 16 năm 2002, ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Tổng bí thư; năm 2003, nắm chức Chủ tịch nước và năm 2004 nắm luôn chức vụ Chủ tịch quân ủy. Theo tiến trình đó người ta dự đoán rằng tới Đại hội thứ 18 (năm 2012), ông Tập Cận Bình sẽ được bầu làm Tổng bí thư đảng, năm 2013 sẽ trở thành Chủ tịch nước và năm 2014 sẽ kiêm luôn Chủ tịch Quân ủy Trung ương, hoàn thành việc nắm các chức vụ tối cao tại đất nước 1,3 tỷ dân.

Minh họa của tạp chí Economist

Việc chuyển giao quyền lực một cách trình tự như vậy là để tránh mọi xáo trộn khi thay đổi lãnh đạo như đã xảy ra sau khi Mao Chủ tịch qua đời năm 1976. Theo trình tự này, người nắm quyền lực tối cao trước khi rời cương vị Tổng bí thư đảng đã chuẩn bị ứng cử viên cho chức vụ này sau hai đại hội đảng tiếp theo.

Có lẽ Trung Quốc là nước duy nhất đến nay làm được điều này. Điều kiện thứ nhất là đảng toàn trị. Điều kiện thứ hai là kinh tế chính trị ổn định. Điều kiện cần có là tầng lớp lãnh đạo có năng lực và bản lĩnh. Sự lợi hại của cách làm này có hai điểm nổi bật: Chuẩn bị tốt cho người nắm quyền lực tối cao; sự ổn định quyền lực có lợi cho ổn định đường lối chính sách lớn của quốc gia về đối nội, đối ngoại. Nhờ vậy, trong 20 năm qua, Trung Quốc thường làm được cái việc “lấy tĩnh chế động”, ở thế thượng phong so với các nước hữu quan. Trong khi đó, sự thay đổi liên tục người cầm đầu chính phủ ở Nhật Bản trong mấy năm qua, thoạt nhiên thì có vẻ năng động, nhưng lại hạn chế rất nhiều khả năng thực thi nhiều quốc sách trọng yếu. Một số quốc gia không phải không biết sự lợi hại của việc chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo kế cận, nhưng không mấy quốc gia làm được.

Theo một quy luật hoàn vũ của quyền lực chính trị, cách này hay cách khác, quyền lực không phải là thứ ban phát, mà phải đấu tranh giành giật. Trong trường hợp Trung Quốc, trước khi được lựa chọn làm ứng cử viên, dù thuộc nhóm lợi ích nào chăng nữa, người đó đã phải là nhân vật tuổi trẻ tài cao. Trong 8 năm ở bên cánh gà cao nhất của quyền lực, một thời gian không ngắn, người đó phải mưu lược và khôn khéo để củng cố vị trí quyền lực này.

Trong thời kỳ quân chủ chuyên chế, ngôi vị thái tử vẫn thường bị tranh đoạt một cách quyết liệt. Nhà Đại Thanh dưới thời Khang Hy khá ổn định, nhưng việc phế lập thái tử diễn ra nhiều lần. Cuối cùng, Khang Hy - đời vua thứ hai - nhắm được một trong các cháu nội có thiên tư xuất sắc hơn cả - đó là Hoằng Lịch, con thứ của Ung Chính vương, và đặt niềm hy vọng của mình vào người cháu trai này. Theo một giả thiết, Khang Hy đã chọn Ung Chính làm hoàng đế đời thứ ba để tạo điều kiện đưa Hoằng Lịch lên nối ngôi sau này. Sự việc quả nhiên diễn ra như vậy. Hoằng Lịch thành hoàng đế thứ tư, tức Càn Long, tiếp tục sự nghiệp của ông nội, tạo nên thời đại “Khang, Càn thịnh thế’.

Dưới thời lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc bước vào con đường phát triển kinh tế và trở thành một cường quốc. Nhu cầu phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước là ưu tiên cao nhất. Việc cải thiện dân sinh cho đại bộ phận dân chúng cũng quan trọng, nhưng ở vị trí thứ hai.

Trước ngưỡng cửa của Đại hội ĐCS Trung Quốc thứ 18 (2012), Trung Quốc vẫn ở trong thời “thịnh”, quốc lực dồi dào, binh hùng tướng mạnh, kinh tế xã hội đất nước căn bản ổn định. Nhưng ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn đứng trước lựa chọn đâu là ưu tiên hàng đầu: Đẩy mạnh phát triển kinh tế đưa Trung Quốc thành một cường quốc hay cải thiện dân sinh, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, nông thôn - thành thị? Hai việc này không thể tiến hành ưu tiên như nhau. Việc cải thiện dân sinh không tránh khỏi đầu tư lớn để xây dựng hệ thống phúc lợi xã hộị. Thực tiễn quốc tế chỉ ra rằng hệ thống phúc lợi xã hội tại một số nước Tây Bắc Âu chỉ được thực hiện đầy đủ từ một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, của cải dư thừa; một khi nền kinh tế kém sức cạnh tranh, hệ thống phúc lợi xã hội là nạn nhân đầu tiên bị hy sinh. Ở Mỹ, giữa cao trào khủng hoảng kinh tế tài chính, việc chính quyền Obama thông qua chương trình bảo hiểm y tế tỏ ra là một quyết định duy ý chí mang khuynh hướng dân túy mà thôi.

Ông Tập Cận Bình có khuynh hướng ưu tiên phát triển kinh tế để trở thành cường quốc. Khuynh hướng này có vẻ đắc thắng. Nhưng Trung Nam hải như đang ngồi trên một núi mâu thuẫn sôi sục do các bất công xã hội và lạm quyền. Cải thiện dân sinh chẳng khác gì một trong thứ “nước cam lộ” dẹp Hỏa Diệm sơn. Ông Lý Khắc Cường - người có nhiều khả năng làm Thủ tướng kế tiếp - đại diện cho khuynh hướng “dân túy”, nhấn mạnh cải thiện dân sinh. Quan điểm này được ghi nhận trong nội dung dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 12 vừa được Hội nghị TƯ 5 khóa 17 ĐCSTQ thông qua tháng trước.

Ông Tập Cận Bình tuy tuổi còn khá trẻ đã trải nghiệm thực tiễn Trung Quốc. Năm 15 tuổi, Tập Cận Bình bị đưa về tỉnh Thiểm Tây “cải tạo” lao động. Sau cuộc Cách mạng Văn hóa, người cha là ông Tập Trọng Huân được phục chức, làm Phó Thủ tướng cho Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình trở lại Bắc Kinh học tại đại học nổi tiếng Thanh Hoa, tốt nghiệp kỹ sư hóa học năm 1979 và sau đó làm tiến sĩ về phát triển nông nghiệp. Dưới thời Đặng Tiểu Bình ông phục vụ trong bộ máy đảng và chính quyền từ cấp cơ sở mà thăng tiến dần lên ngôi cao trong bộ máy quyền lực trung ương. Đành rằng ông thuộc phái “Thế tử” (con ông cháu cha), nhưng giữa một biển người chen vai thích cánh, không có bản lĩnh và nội lực, không thể lên đến vị trí như ngày nay. Ông Tập Cận Bình được tiếng là người trong sạch.

Cái cơ chế chuyển quyền một cách có trình tự như hiện nay tiếp tục đến khi nào sẽ tùy thuộc vào việc các thế hệ lãnh đạo tiếp theo giải bài toán ổn định và phát triển đất nước như thế nào. Mỗi thời có một cách tiếp cập. Nhưng bài toán cho thế hệ thứ năm chắc cũng không ngoài nội dung của chủ thuyết Hồ Cẩm Đào, đưa ra từ năm 2005 mà nhiều mặt chưa thực hiện được, đó là đối nội thực thi “xã hội hài hòa”, đối ngoại “thế giới hài hòa”./.

Không có nhận xét nào: