Sự kiện quốc tế đáng chú ý năm 2010
Trong cả năm 2010 nhiều biến động, các chương trình và những trang web bằng nhiều ngôn ngữ của BBC World Service đã tập trung ghi nhận, đưa tin, phân tích, diễn giải nhiều sự kiện nổi bật.
BBC Tiếng Việt điểm lại 10 câu chuyện nổi bật nhất một năm qua, mà sợi chỉ xuyên suốt là tính liên kết của các sự kiện dù xảy ra ở một nơi nhưng lại có âm hưởng vang tới nhiều quốc gia, châu lục và số phận của nhiều con người khác nhau:
Tháng 1/2010, thiên tai bất ngờ ập tới đảo quốc Haiti, một nơi cách xa các trung tâm chính trị và kinh tế thế giới nhưng tầm vóc của thảm họa nhanh chóng biến nó thành một sự kiện toàn cầu.
Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác đã góp sức cứu trợ 1,3 triệu người sống sót sau trận động đất khủng khiếp.
Bên cạnh chủ đề nhân đạo, đây còn là bài học cho cộng đồng quốc tế về nhu cầu cấp cứu tại một xứ xở mà cơ chế quốc gia bị suy yếu nghiêm trọng từ lâu.
Đài BBC nhanh chóng mở một chương trình radio bằng tiếng Creole cho người nghe Haiti. Các câu chuyện 'dư chấn xã hội, y tế' của Haiti và quá trình tái thiết vẫn tiếp tục trong cả năm 2010.
Bấm Bụi núi lửa phủ châu Âu
Thiên tai ở một dạng khác tấn công châu Âu trước mùa hè. Núi lửa Eyjafjallajoekull ở Iceland bùng phát sau nhiều năm ngủ yên ban đầu chỉ gây xáo trộn nhỏ vùng Bắc Âu nhưng dần dần làm cả bầu trời lục địa này phủ khói bụi.
EU, khối quốc gia giàu có bậc nhất thế giới phải đối mặt với một hiện tượng thiên nhiên khó chống đỡ.
Hàng trăm phi trường phải đóng cửa vì lệnh cấm bay khiến hàng triệu hành khách châu Âu và các nước khác bị gián đoạn, thậm chí gặp khốn khó về sinh hoạt, đi lại.
Tranh luận về quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong thời toàn cầu lại thêm phần nghiêm trọng với vụ Bấm BP tràn dầu ở Vịnh Mexico, Núi lửa gây sóng thần ở Indonesia, và hội nghị Biến đổi Khí hậu Cancun trong năm.
Bấm Thuyền cứu trợ Gaza bị tấn công
Cuối tháng 5, cuộc tập kích của Israel vào đoàn thuyền chở cứu trợ do các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, làm chết 10 người và bị thương nhiều người khác. Cuộc tấn công này đã làm bùng lên phản đối trên khắp thế giới.
Nhiều người, tại cả Israel lẫn thế giới, đều đồng ý là cho dù việc gửi đi đội tàu cứu trợ Gaza là đúng hay sai, chiến dịch ngăn chặn đội tàu này là rất sai lầm.
Vụ can thiệp xảy ra cách bờ biển Gaza chừng 60km, cách ranh giới hải phận chính thức mà Israel phong tỏa Gaza chừng 40 km.
Bằng việc can thiệp bên ngoài ranh giới phong tỏa, Israel gặp rủi ro là hành động của họ có thể bị kiện theo luật quốc tế, hoặc chí ít vấn đề này cũng gây nhiều tranh cãi.
Năm trong sáu chiếc tàu dừng lại, nhưng chiếc tàu chính Mavi Marmara mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ, nước dù sao cũng thân thiện với Israel hơn nhiều quốc gia trong vùng đã không làm như vậy và bị tấn công. Vụ việc cũng cho Hoa Kỳ, nước đồng minh lớn của Israel thêm khó khăn trong cuộc chiến giành sự ủng hộ của dư luận.
Cả thế giới đổ mắt vào Cộng hòa Nam Phi, nước châu Phi đầu tiên đăng cai giải bóng đá World Cup 2010. Sự có mặt của Nelson Mandela, người anh hùng dân tộc được giải Nobel Hòa bình, cựu tổng thống Nam Phi dân chủ tại lễ bế mạc đã đánh dấu sự lên ngôi của quốc gia này.
Trưởng thành qua thời kỳ phân biệt chủng tộc và xây dựng nền dân chủ trẻ, Nam Phi đã đem lại cho thế giới một World Cup độc đáo, nhiều màu sắc. Sự có mặt của đội Bắc Hàn cũng thu hút dư luận quan tâm đến quốc gia bí hiểm từ Đông Bắc Á.
Thế giới cũng hồi hộp cùng bạch tuộc Paul ở Đức trước các trận đua tài. BBC có nhiều bài chuyên về Bấm World Cup Nam Phi, gồm cả tranh biếm họa của nghệ sĩ Sawirada Amin Caamir.
World Cup rực rỡ tại Nam Phi được tiếp nối trong năm bằng các cuộc trình diễn khổng lồ như Bấm Expo Thượng Hải và Á Vận Hội Quảng Châu.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn về đối ngoại, nhất là với các vùng lãnh hải lân bang mà họ cho là của mình, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ bằng cách nêu ra nguyên tắc tự do hàng hải tại vùng biển Đông Nam Á.
Phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Hà Nội tháng 7/2010 tại Bấm diễn đàn khu vực cũng là dấu hiệu cho thấy chính sách ngoại giao liên kết đa phương của Việt Nam có tác dụng nhất định.
Các diễn biến sau đó, liên quan đến vụ tranh chấp Trung - Nhật quanh Điếu Ngư/Senkaku như khẳng định tầm quan trọng của chủ đề biển đảo, tăng cường hải quân và xu hướng dù có hợp tác nhưng vẫn phòng ngừa lẫn nhau giữa các nước châu Á.
Bấm Cứu sống thợ mỏ Chile
Tháng 8/2010, sự kiện 33 thợ mỏ ở gần thành phố Copiapo của Chile bị mắc kẹt tại độ sâu 700 mét khi một ngọn núi ở bên trên sụp xuống trở thành câu chuyện đánh động tâm trí của hàng triệu người trên thế giới. Sau khi Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngỏ lời, nhiều nước đã cử chuyên gia đến giúp việc cứu hộ.
Sang tháng 10, công việc khoan đường ống qua tầng đất đá cứu họ lên mới hoàn tất và hình ảnh từng người được kéo lên mặt đất, thoát chết trở về với thân nhân thực sự gây ra xúc động không chỉ ở Chile. Bài học cũng hướng người ta chú ý hơn tới số phận của các thợ mỏ Trung Quốc và New Zealand gặp nạn.
Vào tháng 10, thanh niên Kim Jong-un, con trai út lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il xuất hiện cùng với cha dự lễ diễu binh kỷ niệm 65 năm thành lập đảng cầm quyền. Lần đầu tiên, đoàn phóng viên của BBC News được Bình Nhưỡng cho phép vào đưa tin về đại lễ ở sân vận động Arirang.
Mới 27 tuổi và chưa hề qua quân đội, Kim Jong-un đã được phong Đại tướng, khiến báo giới nước ngoài cho rằng quốc gia cộng sản Đông Bắc Á chuẩn bị cho quá trình kế vị. Nhưng sau đó vụ Bấm pháo kích vào đảo của Nam Hàn trong lúc miền Nam và Hoa Kỳ liên tục tập trận để phòng ngừa, cho thấy tình hình Đông Bắc Á tiếp tục căng thẳng.
Một cuộc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên nếu diễn ra cũng sẽ không êm ả, gây lo ngại cho cả Trung Quốc, như tiết lộ sau này của WikiLeaks.
Bấm Châu Âu cắt giảm chi tiêu
Từ tháng 5, Liên hiệp Âu châu thông qua các biện pháp khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro để ngăn cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp khỏi ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực dùng đồng euro. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng sẽ đóng góp thêm 250 tỷ euro.
Nhưng tình hình tại toàn châu lục không khả quan hơn trong suốt mùa hè, kéo sang cả mùa thu và mùa đông 2010.
Bên kia Đại Tây Dương, Hoa Kỳ cũng phải chấn chỉnh tài chính và lo vực dậy kinh tế, chủ đề xuyên suốt của cuộc Bấm Bầu cử giữa kỳ.
Nợ công quá cao khiến các chính phủ từ Tây Ban Nha, Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Pháp...đua nhau đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu khiến giới thợ thuyền, và cả sinh viên học sinh xuống đường. Tại Anh, đài BBC và cả Hoàng gia cũng phải cắt giảm ngân sách.
Lần đầu tiên từ nhiều năm, xe chở Thái tử Charles và phu nhân ở Anh bị tấn công ngay giữa London trong một cuộc biểu tình của sinh viên chống tăng học phí.
Khu vực đồng euro tiếp tục khủng hoảng.
Bấm Aung San Suu Kyi được tự do
Trong tháng 11 Miến Điện đã trả tự do cho lãnh đạo ủng hộ dân chủ là bà Bấm Aung San Suu Kyi, tạo ra hy vọng có biến đổi tại quốc gia Đông Nam Á sống dưới chế độ quân nhân. Cuộc bầu cử trước đó cũng có mục tiêu biến hệ thống quân sự thành bán dân sự vào 2011, mở đường cho chính quyền thoát khỏi cấm vận và sự lên án của quốc tế. ASEAN, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có các quan điểm, quyền lợi khác nhau tại Miến Điện.
BBC là một trong những cơ quan truyền thông phỏng vấn bà Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hòa bình, đã bị quản chế 15 năm trong 21 năm vừa qua. Sau đó, bình luận về chuyện Trung Quốc không thả ông Lưu Hiểu Ba, bà cũng trả lời qua điện thoại các câu hỏi của BBC Tiếng Trung và Tiếng Việt.
Bấm Tẩy chay Nobel cho Lưu Hiểu Ba
Cây bút Mỹ, Thomas Friedman, cho rằng Trung Quốc đã ứng xử kém thông minh trong vụ cấp tập đả phá Na Uy và tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, hiện ngồi tù tại Liêu Ninh. Trung Quốc trao giải thưởng Hòa bình Khổng tử trước đó để nhấn mạnh đến các giá trị riêng của mình, theo cách diễn giải của Đảng Cộng sản.
Vẫn ông Friedman gọi các nước, trong đó có Việt Nam, nghe theo Trung Quốc để không đến dự lễ ở Oslo hôm 10/12 là "nhóm quốc gia thảm hại".
Chiếc ghế trống cho Lưu Hiểu Ba, người đồng sáng lập ra phong trào Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ tại Trung Quốc thu hút dư luận quốc tế nhìn vào tình hình nội bộ Trung Quốc.
Nhưng lý do để các nước không dự lễ trao Nobel cũng có nhiều, không hẳn là vì sợ Trung Quốc mà đa số còn vì không muốn thấy quốc tế vinh danh các nhân vật đấu tranh dân chủ và nhân quyền của nước họ.
Năm 2010 vì thế khép lại bằng sự chia rẽ và sự cạnh tranh về các giá trị, tư tưởng cùng lối sống trên toàn cầu.
Năm 2011 tiếp nối bắt đầu bằng một câu chuyện không mang tính đơn lẻ mà như một chuỗi các góc nhìn 'phi chính thống': Bấm Bấm WikiLeaks.
Những tài liệu, phát biểu khác nhau từ giới ngoại giao quốc tế bị tiết lộ ra vừa gây phẫn nộ, lo ngại, vừa khiến không ít người thích thú và đặt lại câu hỏi về tự do thông tin, trách nhiệm của báo chí trong thời đại Bấm Không còn bí mật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét