Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Khai hội chùa Hương

Khai hội chùa Hương

Thứ Ba, 08/02/2011 22:40

Mùng 6 tháng giêng, lễ khai hội chùa Hương đã được tổ chức tại sân Thiên Trù nằm trong quần thể di tích, thắng cảnh Hương Sơn, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội

Ngày 8-2 (mùng 6 tháng giêng), lễ khai hội được bắt đầu bằng chương trình ca múa nhạc, hát quan họ, chầu văn, múa tứ lân. Ngay sau phần văn nghệ, đại đức Thích Minh Hiền, Phó trưởng ban tổ chức (BTC) lễ hội, trụ trì chùa Hương, đã phát lời kêu gọi mỗi người dân, mỗi du khách trẩy hội chùa Hương hãy bằng những việc làm thiết thực góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo đảm lễ hội chùa Hương không chỉ xanh, sạch, đẹp mà còn tôn nghiêm, trang trọng. Ngay sau lễ khai hội, BTC lễ hội chùa Hương cùng người dân đã trồng 5 cây hoa anh đào do hòa thượng Nhật Bản Yosimizư Dai Chi tặng.
Theo ước tính của BTC, khoảng 5 vạn du khách đã trẩy hội chùa Hương, cầu mong một năm mới hạnh phúc trong ngày khai hội. Trong chương trình của lễ hội chùa Hương năm nay sẽ còn nhiều hoạt động hấp dẫn như đêm thơ Nguyên tiêu Tâm Xuân vào ngày 16-2 ( tức 14 tháng giêng), tuần lễ văn hóa Phật giáo mừng Khánh đản Bồ tát Quán Thế Âm 16-3 (tức 19 tháng 2 âm lịch)... Điểm nhấn của Tuần văn hóa sẽ là lễ phóng đăng trên suối Yến với 2011 hoa sen, tượng trưng cho năm 2011.
Điểm mới của mùa hội năm nay chính là đầu tư đáng kể về hạ tầng cũng như văn minh trong công tác tổ chức lễ hội. Ghi nhận của nhiều du khách tại lễ hội chùa Hương năm nay là sự “biến mất” của hệ thống loa đài quảng cáo, rao vặt trong suốt đường hành hương về cõi Phật.
Một tiết mục văn nghệ trong lễ khai hội chùa Hương. Ảnh: TTXVN


Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội chùa Hương, khẳng định BTC lễ hội quyết tâm dẹp bỏ tình trạng dùng loa quảng cáo, bán hàng; xe ôm tranh giành khách gây phản cảm.
Người dân 6 thôn thuộc xã Hương Sơn đã được tập huấn về Luật Giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện các luật: Di sản Văn hóa, Du lịch và quy tắc ứng xử văn hóa trong lễ hội. Năm nay, bến Thiên Trù đã được đầu tư hơn 5 tỉ đồng để mở rộng.
Huyện Mỹ Đức cũng dành nhiều kinh phí đầu tư cho tuyến đường bộ lên chùa Hinh Bồng, trạm sơ cứu và chăm sóc sức khỏe cho khách trẩy hội. Bên cạnh đó, BTC cũng bố trí lực lượng an ninh có cảnh sát túc trực tại các chốt, trạm chính để bảo đảm sự an toàn cho du khách.
Ngoài ra, TP Hà Nội đã tăng cường lực lượng phối hợp với công an huyện Mỹ Đức để tổ chức kiểm tra, quản lý chặt việc bán vé tham quan, xử lý nghiêm những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn lậu vé; tăng cường quản lý, giám sát, giáo dục các đối tượng có tiền án, tiền sự, ngăn chặn kịp thời những hành vi gây rối trật tự an toàn xã hội.

Không tăng giá vé

Giá vé tham quan, đò vận chuyển khách không thay đổi so với lễ hội chùa Hương năm 2010.
Vé tham quan chung cho toàn khu thắng cảnh là: 30.000 đồng/khách.
Giá vé thuyền, đò cho tuyến chính - tuyến Hương Tích: Đối với đò chất lượng cao: 35.000 đồng/khách; đối với đò bình thường: 25.000 đồng/khách.
Giá vé thuyền, đò tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn: Đối với thuyền, đò chất lượng cao: 25.000 đồng/khách, đối với thuyền, đò bình thường là 15.000 đồng/khách.
Giá vé thuyền, đò tuyến Thanh Sơn - Hương Đài là 15.000 đồng/khách; giá vé cáp treo (khứ hồi): 100.000 đồng/khách. Khoảng 4.600 chiếc thuyền, đò đã được đưa vào sử dụng trong lễ hội.
Yến Anh
[Quay lại]

Không có nhận xét nào: