Vi Thùy Linh: Gọi tháp nghiêng Pisa về giữa sân Thái Học
>> Mớ ba mớ bảy xốn xang hội thơ
>> Điểm hẹn nguyên tiêu
TPO - Đó là lời phi lộ của nhà thơ Vi Thùy Linh trước khi thể hiện tác phẩm “Yêu ở Rome” thuộc phần cuối của tập “Phim đôi - Tình tự chậm”, tại sân thơ hiện đại trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (17-2).
Vi Thùy Linh mang đến sân thơ hiện đại phần trình diễn đặc sắc và tứ thơ lạ. |
Như câu thơ “Mỗi lần đến lại mang theo điều bí mật”, nhà thơ Vi Thùy Linh lần lượt mang đến với sân thơ hiện đại 2011 những món quà đặc biệt. Nhà thơ Thùy Linh chia sẻ: “Mấy năm rồi tôi mới trở lại sân thơ. Năm nay có sự thay đổi đột biến là sân thơ hiện đại, cho nên tôi cũng muốn có một sự đột biến. Hiện chúng ta đang ở Hà Nội – một không gian rất cổ kính, nhưng tôi muốn đưa mọi người sang châu Âu ngay lập tức, bây giờ… Và tôi sẽ gọi tháp Pisa về ngay bây giờ ở sân Thái Học”.
Sau tiếng vỗ tay “tiếp lửa” của khán giả, nhà thơ trẻ họ Vi chậm chãi hé mở bí mật đưa khán giả đến tới thủ đô Italia nơi có tháp nghiêng Pisa và thưởng thức một tháp nghiêng khác, vĩnh cửu hơn tháp nghiêng của nước Ý – dáng hình hôn nhau của những đôi uyên ương.
“ …Anh ôm em bay lên giữa bầu trời Ý/ Vào giây 2763/ Vẫn thèm hôn như chưa bắt đầu/ Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp/ Váy bay/ Tóc bay/ Mắt bay sóng sánh/ Chúng mình là ngôi sao bay/ Là tượng tình yêu đang thở/ In vào La Mã xanh/ Pisa thứ hai/ Dẫu Pisa cũ sụp xuống/ Dáng nghiêng hôn nhau quên thời gian của hai chúng ta vẫn in lên hình trời Rome/ Một thế giới nghiêng vĩnh cửu.”
Thêm một điều đặc biệt, Vi Thùy Linh đưa khán giả đến “phiên hôn”, thưởng thức nghệ thuật thơ trình diễn khi cùng nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh với tấm vải hai màu đen trắng thể hiện bài thơ “Bất tận”.
Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh "tình tứ" ở "phiên hôn"khi trình diễn thi phẩm "Bất tận". |
Trên sân thơ hiện đại có chủ đề “Blog Xuân 2011”, khán giả còn ấn tượng với những câu chữ của nhà thơ trẻ Phan Huyền Thư; thế giới thơ đầy chất nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến với thi phẩm “Trung du”… Hay những cách nhìn mới như của Phùng Hải Yến (hiện đang làm báo ở Lao Cai) về huyền thoại của lá bùa yêu, đó là trái tim. “Em tìm thấy chiếc lá yểm bùa/ Trong ngực trái người trai/ Một lá mọc giữa thung hình trái tim nhỏ xíu…"
Các nghệ sĩ nhà hát Tuổi trẻ mang tới nhiều tiết mục kịch hình thể. |
Tham dự sân thơ hiện đại, khán giả còn được suy tưởng với những động tác kịch hình thể của nghệ sĩ nhà hát Tuổi trẻ; Được bắt gặp những góc nghệ thuật sắp đặt của những cái nhìn của người trẻ như Phan Nha Trang (trường FPT Arena) kết hợp với trải lòng của tập “Tự thoại” của Trương Hồn Tú (Khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình văn học), “Chênh chao tích chèo” của Khúc Hồng Thiện…
Gương mặt trẻ Trương Hồng Tú (áo đỏ)và Nha Trang tại Ngày hội Thơ 2011. |
“Đại lộ” văn nhân, quán trà thơ… giữa lòng Văn miếu
“Đại lộ” đây chẳng phải là con đường trải dài tít tắp, rộng thênh thang tới mấy làn xe mà chỉ là lối đi nho nhỏ nằm giữa khu trung tâm Thiên Quang Tỉnh (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Nhưng gọi là “đại lộ” hẳn chẳng mấy ngoa ngoắt vì những bước chân của khách thơ cứ chùng chình và miên man suy tưởng trước mỗi khuôn tượng văn nghệ sĩ đạt giải thưởng Hồ Chí Minh như: Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Tô Hoài... Phải khá tốn thời gian mới đi hết con đường ấy. Sự hiện diện của tượng hình các văn nhân là một trong những nét mới của Ngày Thơ Việt Nam năm Tân Mão 2011.
Một góc của "đại lộ" văn nhân. |
Khác với những năm trước, không gian Ngày thơ Việt Nam 2011 xuất hiện thêm nhiều nét lạ mà quen. Đó là quán trà được lợp bằng lá tranh, quây bởi những tấm mành treo những vần thơ lục bát được thể hiện dưới một dạng thư pháp. Được gặp lại hình ảnh cô hàng nước duyên dáng trong áo tứ thân, mớ ba mớ bảy…
Duyên dáng áo mớ ba mớ bảy của cô hàng nước trong Ngày thơ Việt Nam. |
Nhiều thế hệ quây quần bên chén trà trong sân thơ truyền thống. |
Cùng với sân thơ thiếu nhi, sân thơ hiện đại, sân thơ truyền thống, Hội năm nay có thêm một thi quán trưng bày các tác phẩm thơ dịch trong năm qua, với sự hiện diện của dịch giả Thụy Anh và tác phẩm “Olga Berggoltz của tôi”.
Thêm đó, là sự góp mặt mới mẻ của thi quán dành riêng cho các tác phẩm của các câu lạc bộ thơ; những tác giả thơ hiện đại đến từ miền Nam và Tây Nguyên do nhà thơ Trịnh Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tuệ Nguyên (Ninh Thuận) và Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) đại diện.
Những nét mới, không ngừng sáng tạo của các tác giả thơ, những đổi mới về không gian sắp đặt, Ngày hội thơ 2011 để lại nhiều ấn tượng cho đông đảo khách thơ.
Những câu thơ đặc sắc của các tác giả được thả lên trời mang theo ước mơ có thêm những áng văn chương hay. |
Mai Xuân Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét