Lãnh đạo Trung Quốc họp bàn về tương lai
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp tại Bắc Kinh để thảo ra kế hoạch phát triển 5 năm tới cho kinh tế nước này.
Nghị trình được giữ bí mật, nhưng giới phân tích nói rằng thay vì tìm kiếm tỉ lệ tăng trưởng kinh tế cao, lãnh đạo Trung Quốc giờ đây muốn khép dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng duyên hải với các khu vực nội địa.
Giới phân tích cũng sẽ theo dõi sát những chỉ dấu xem ai sẽ là lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc lên nhận nhiệm sở vào năm 2012.
Cuộc họp này diễn ra vào lúc thế giới đang chú ý hơn tới tình hình nhân quyền tại Trung Quốc.
Vào đầu tuần này, một lá thư của 23 đảng viên lão thành đã được tung ra kêu gọi chấm dứt sự hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Lá thư này mô tả hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc là “bê bối” và là “điều đáng hổ thẹn”.
Lời kêu gọi được đưa ra chỉ vài ngày sau khi nhân vật đối kháng đang bị cầm tù là ông Lưu Hiểu Ba - một người đi đầu cổ súy cho dân chủ ở Trung Quốc - được trao giải Nobel Hòa bình.
Một nhóm gồm 100 nhà hoạt động tại TQ giờ đây ký vào đơn kiện đòi trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.
Hiện đang có các đồn đoán rằng nghị trình cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc còn bàn cả về cải cách chính trị, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây kêu gọi cởi mở hơn.
Ông Ôn nói với hãng truyền hình Mỹ CNN tháng này là những lời kêu gọi “dân chủ và tự do tại Trung Quốc sẽ là điều không thể tránh khỏi”.
Vào tháng Tám, ông nói: “Nếu không có cải cách chính trị, Trung Quốc có thể mất đi những gì đã đạt được nhờ tái cơ cấu kinh tế”.
Tuy nhiên, trong dấu hiệu cho thấy sự phản đối lại những kêu gọi này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không tường thuật về chuyện đó ở trong nước.
Thay đổi
Những kêu gọi cải cách chính trị thẳng thắn một cách bất thường như thế là bối cảnh cho hội nghị trung ương đảng Cộng sản TQ lần này, kéo dài trong bốn ngày.
Chi tiết về cuộc họp của 300 thành viên trong ủy ban trung ương đảng thường chỉ được nêu ra vào khi kết thúc hội nghị.
Truyền thông nhà nước nói chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo dự kiến sẽ tham gia thảo luận “các đề xuất cho kế hoạch phát triển 5 năm tới” - từ năm 2011 đến 2015.
Trung Quốc đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh trong những năm gần đây, đa phần là nhờ xuất khẩu.
Phóng viên BBC tại Bắc Kinh, Martin Patience, nói Trung Quốc muốn giảm đi khoảng cách giàu nghèo, vốn đang gia tăng, nhằm ngăn ngừa các cuộc đình công và tranh chấp quanh chuyện tiền lương, vốn đã dẫn tới những bất ổn trong quá khứ.
Bất cứ bất ổn nào đều khiến đảng Cộng sản lo ngại, vì nó thách thức sự cầm quyền của họ trên toàn đất nước.
Giới phân tích sẽ theo dõi sát xem có các dấu hiệu cho thấy phó chủ tịch Tập Cận Bình và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường - là những người được cho sẽ lên thay ông Hồ và ông Ôn - sẽ tiến gần tới quyền lực trong thay đổi sắp tới hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét