Nhân chương trình “Con đường âm nhạc” của Đỗ Nhuận:
Nhớ Đỗ Nhuận, một “cánh chim đầu đàn”…
Thứ Ba, 18.1.2011 | 09:08 (GMT + 7)
(LĐ) - Đêm 16.1, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Con đường âm nhạc” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Trong giá lạnh cuối đông, người mến mộ vẫn đến đông chật để thưởng thức. Và ngọn lửa âm nhạc của bậc tài danh, một trong những “cánh chim đầu đàn” của âm nhạc Việt Nam một lần nữa lại bừng cháy…
Con đường âm nhạc mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đi là con đường độc đáo lạ thường. Từ những sáng tác yêu nước đầu tiên như “Trưng Vương”, “Nguyễn Trãi – Phi Khanh”, người cùng thời đã nhận ra ở Đỗ Nhuận một cách lập ngôn âm nhạc riêng biệt. Đến khi tham gia cách mạng và nhất là khi bị bắt trong lao tù, tính phản kháng, tính chiến đấu trong âm nhạc Đỗ Nhuận càng mạnh mẽ, càng thuyết phục qua “Quảng Châu công xã”, “Côn Đảo”... và nhất là “Du kích ca” - một hành khúc cách mạng được viết tại ngục Sơn La trước khi ông cùng các đồng chí vượt ngục.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Từ sau Cách mạng Tháng Tám, âm nhạc Đỗ Nhuận cứ thế chất ngất trong kháng chiến trường kỳ với “Nhớ chiến khu”, “Tiếng sóng Nam Bộ”... và đặc biệt là “Đoàn lữ nhạc” mang hơi thở âm nhạc đại chúng. Cũng trong thời kỳ này, giữa những “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Áo mùa đông”, ca cảnh về chị Nguyễn Thị Chiên anh hùng “Sóng cả không ngã tay chèo”... là hợp xướng “Du kích sông Thao” lai láng trong lịch sử cùng “Trường ca sông Lô” (Văn Cao), “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi)... Nhưng quan trọng nhất trong giai đoạn này, khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc, đi tới chiến dịch Điện Biên Phủ, thì Đỗ Nhuận và đồng nghiệp đã có một “trận Điện Biên Phủ của làng nhạc” là đã chính thức “khước từ” giọng điệu âm nhạc phương Tây trong sáng tạo mà ông là người đi đầu với “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”. Ông là người đầu tiên khai thác chất liệu dân ca Tây Bắc mà khi trước đó, các nhạc sĩ mới chỉ là khai thác dân ca người Kinh. Chất liệu dân ca Tây Bắc đã được ông sử dụng để tạo ra một nhạc kịch “Cô Sao” độc nhất vô nhị trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sau khi ông đi tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky trở về. Ông còn sử dụng chất liệu dân ca Tây Nguyên và miền Trung vào nhạc kịch “Người tạc tượng” cũng vào những năm tháng này.
Đỗ Nhuận là một tầm vóc vạm vỡ của nền âm nhạc VN. Ông luôn tìm tòi, sáng tạo từ thể loại nhỏ như ca khúc, độc tấu, đến thể loại lớn viết cho dàn nhạc và nhạc kịch. Ở ca khúc thời chống Mỹ, ông cũng là người đầu tiên khai thác nhịp trống ngũ liên và nhịp đảo của chèo vào các tác phẩm của mình như “Trống hội tòng quân”, “Thắm hoa núi rừng”, “Vui mở đường”... đến “Tôi thích thể thao” - một ca khúc độc đáo với ca từ toàn vần T, thì ở đó chứa đựng cả tiết tấu rock và giọng điệu rap rất tự nhiên hoà quyện cùng tiết tấu dân gian.
Dưới đũa chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - trưởng nam của Đỗ Nhuận và hiện đương chức Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN - các bản phối cho dàn nhạc bán cổ điển của Xuân Thuỷ, Đỗ Bảo và nhiều nhất là của Trần Mạnh Hùng - một nhạc sĩ trẻ đang sung sức – dàn nhạc đã tạo nên một cái nền hiệu quả, mới mẻ cho các ca sĩ thể hiện tác phẩm của người nhạc sĩ bậc thầy.
Rất vui là trong chương trình, đã có sự xuất hiện của nhiều thế hệ ca sĩ mà từ lúc sinh thời, Đỗ Nhuận đã từng làm việc và yêu quý. NSND Trần Hiếu đã ngoại thất tuần vẫn dung dị, hóm hỉnh trong thể hiện “Đèn cù”. NSƯT Hồng Kỳ vẫn tỏ ra bản lĩnh khó có ai vượt qua khi thể hiện “Tôi thích thể thao” đầy duyên dáng và thu hút. Trước đây, “Côn Đảo” thường do NSND Quý Dương thể hiện bằng giọng nam trung, lần này, “Côn Đảo” được NSƯT Quốc Hưng thể hiện bằng giọng nam trầm khiến cho cảnh ly hương của những người tù chính trị thời tranh đấu thêm đậm vẻ trầm mặc, rắn rỏi khí phách.
Thanh Thuý vẫn giữ được phong độ khi thả hồn trong “Nhớ chiến khu”, Đăng Dương đã tới độ chín khi thể hiện “Trên đồi Him Lam” - một ca khúc quan trọng ở nhịp hành khúc của Đỗ Nhuận với ngôn ngữ hết sức mới mẻ sau “Hành quân xa”. Đặc biệt, Đăng Dương đã cùng Trần Hồng Nhung và giàn hợp xướng làm nên một phong cách mới trong hợp xướng “Du kích sông Thao”. Trần Hồng Nhung tỏ ra là một giọng nữ cao nhiều triển vọng. Aria trong “Cô Sao” do Hồng Vy đảm nhận cũng gây dấu nhấn khác thường của đêm diễn. Tứ tấu đàn dây của nhóm “Hoa Sen” mà nhóm trưởng NSƯT Trần Thị Mơ thật bay bổng, tha thiết. NSND Quang Thọ vẫn xứng đáng là một bậc thầy thanh nhạc cùng dàn hợp xướng trong “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” trang trọng và lộng lẫy.
Một chương trình thật đậm ấn tượng cho công chúng cả nước trước thềm năm mới. Nghe nhạc, nhớ Đỗ Nhuận.
Nguyễn Thụy Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét