Hoàn thiện cơ chế công khai tài sản công chức
Cập nhật lúc :9:13 AM, 14/01/2011
“Từ công khai dẫn đến kê khai và công khai tài sản của cán bộ công chức. Tất cả những giải pháp này có rồi, nhưng biện pháp thực hiện cho đủ và nghiêm”, phát biểu của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bên hành lang Đại hội Đảng XI.
"Thời gian tới, điều quan trọng là Đảng phải tập trung củng cố, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và Nhà nước phải tăng cường kỷ luật kỷ cương", ông Truyền nói.
Từ góc độ người đứng đầu Thanh tra Chính phủ, ông đã đề xuất những giải pháp gì để góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả?
Ông Trần Văn Truyền: Trong nhiệm kỳ tới, phải tiếp tục hoàn thiện rà soát cơ chế để đảm bảo công khai minh bạch tài sản của cán bộ công chức tốt hơn. |
Có những chính sách như công khai tài sản, tịch thu tài sản của người tham nhũng, nhưng thực tế hầu như không áp dụng được?
Đi liền thể chế còn cơ chế. Cơ chế nào cũng phải hướng đến công khai minh bạch. Công khai trách nhiệm công vụ, công khai quy trình thủ tục hành chính, công khai về một số tiêu chuẩn định mức cấp phát tài chính, kể cả trong xây dựng, giao, cấp đất đai. Từ công khai dẫn đến kê khai và công khai tài sản của cán bộ công chức. Tất cả những giải pháp này có rồi, nhưng biện pháp thực hiện cho đủ và nghiêm; đánh giá các biện pháp này để bổ sung cho cơ chế sao cho thích hợp hơn thì chưa có. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới phải tiếp tục hoàn thiện rà soát cơ chế để đảm bảo công khai minh bạch tốt hơn.
Quan điểm của ông về việc thực hiện cơ chế chất vấn trong Đảng như thế nào?
Thực tế đúng là chưa phát huy được tốt việc chất vấn trong Đảng. Nhưng tôi nghĩ việc này thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể người ta nêu vấn đề nào đó để chất vấn hoặc một việc nào đó cũng là một hình thức. Một hình thức nữa là lên diễn đàn Trung ương phát biểu là đồng ý cái gì, không đồng ý cái gì và thậm chí cũng nêu ý kiến đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị giải trình về những vấn đề gì. Đó cũng là hình thức chất vấn. Tuy nhiên, vừa qua việc này chưa được mạnh mẽ, chưa được như mong muốn.
Tôi nghĩ, để việc chất vấn trở nên bình thường, Đảng cũng nên có một cơ chế chất vấn. Chẳng hạn như chất vấn thì bao lâu phải trả lời, ai trả lời… Và chất vấn phải tạo ra sự thoải mái, không có định kiến, không đố kỵ, để không nảy sinh tâm lý e ngại. Vậy phải làm sao không có sự e ngại đó, đảm bảo có những ý kiến thẳng thắn, dám đấu tranh phải được bảo vệ và được ủng hộ.
Nhiều ý kiến cho rằng chất vấn theo những chuyên đề thì khó thực hiện. Quan điểm của ông như thế nào?
Đây là vấn đề rất hệ trọng, thuộc nguyên tắc của Đảng, do vậy thời gian tới, sự lãnh đạo điều hành, đặc biệt là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng xác định nhiều vấn đề, trong đó có cả xác định một số vấn đề thuộc nguyên tắc trong lề lối làm việc để làm sao tập trung lớn nhất là tập trung dân chủ. Dân chủ thực sự, phải bàn một cách thoải mái, đầy đủ, tự do, không bị gò hay rào đón, thủ thế. Còn tập trung, khi đã bàn rồi, thống nhất rồi, thành nghị quyết rồi thì nhất định không có ý kiến khác hay nghĩ khác, làm khác. Từ đây mới ra chuyện chất vấn, lấy từ cái chung trước, hiệu quả ở đâu, trách nhiệm của ai, sau đó mới đi vào từng vấn đề để thảo luận, chất vấn. Tôi nghĩ có thể xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi ủy viên trung ương mới có thể làm cho hoạt động chất vấn sôi nổi, tích cực hơn.
Vấn đề lớn nhất là phải củng cố và nâng cao việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Bởi vì không thực hiện tốt nguyên tắc này thì chất vấn cũng chẳng giải quyết được việc gì. Chính dân chủ sẽ tạo nền cho việc chất vấn hay không chất vấn. Bởi vì chất vấn thể hiện dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét